Trong làn nước lung linh ánh đèn, tiếng trống, tiếng sáo hòa cùng tiếng cười trẻ thơ vang lên rộn rã. Trên mặt nước phẳng lặng, những con rối gỗ sinh động tái hiện cảnh Thạch Sanh chém chằn tinh, Lê Lợi trả gươm, lễ hội làng quê hay đồng ruộng bát ngát. Múa rối nước không chỉ là trò vui dân gian mà còn là nghệ thuật kể chuyện, lưu giữ và lan tỏa hồn cốt dân tộc Việt. Hãy cùng Lins Vietnam trên hành trình khám phá truyền thuyết cổ tích Việt Nam qua nghệ thuật múa rối nước, một di sản văn hóa ngàn đời, là cầu nối từ quá khứ tới hiện tại mà mỗi du khách nên một lần trải nghiệm và trân trọng.
Nguồn gốc và lịch sử hình thành
Sự ra đời trong nền Văn minh lúa nước
Nghệ thuật múa rối nước không phải ngẫu nhiên mà sinh ra – nó gắn chặt với đời sống cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vào mùa nước nổi, những bờ ao, mặt ruộng biến thành sân khấu trời. Người nông dân sáng tạo ra hình thức diễn rối ngay trên mặt nước để giải trí sau những mùa vụ vất vả.
Theo sử sách và nghiên cứu, nghệ thuật múa rối nước đã xuất hiện từ thời Lý (thế kỷ 11). Chứng tích đầu tiên được ghi nhận tại bia Tháp Sùng Thiên Diên Linh năm 1121. Ba câu thơ thể hiện rõ sự phát triển thịnh vượng của trò rối nước ta:
“Nàng tiên từ trên không sa xuống
Cất lên tiếng hát véo von
Ca ngợi công đức đầu tiên của vị vua hiền”
Dưới thời Lý – Trần, múa rối nước được triều đình coi trọng. Nhiều nghệ nhân được phong chức, ban thưởng vì phục vụ cung đình, góp vui trong quốc lễ. Thời Nguyễn, nghệ thuật này tiếp tục được yêu thích – có tư liệu chép vua Minh Mạng từng tổ chức xem nghệ thuật múa rối nước trong hoàng cung Huế.
Dù thời gian, chiến tranh làm mai một, nhưng nghệ thuật múa rối nước vẫn bền bỉ tồn tại trong dân gian. Tới thời Pháp thuộc, nó suýt mai một nhưng lại được người Pháp chú ý, ghi chép. Sau 1945, nghệ nhân các làng nghề phục dựng lại nhiều tiết mục cổ, trở thành niềm tự hào trong các lễ hội, sự kiện quốc gia và biểu diễn giao lưu quốc tế.
Vai trò văn hóa – cộng đồng
Không chỉ là trò vui giải trí, nghệ thuật múa rối nước mang đậm tính giáo dục, truyền dạy đạo lý. Nó phản ánh đời sống, tín ngưỡng, sinh hoạt của người nông dân Việt Nam.
Qua mỗi vở diễn của nghệ thuật múa rối nước, trẻ em và người xem được “học mà chơi” – hiểu về tình yêu quê hương, sự chính trực, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, lòng hiếu thảo, nghĩa tình. Đây chính là kênh truyền thông dân gian đầy sáng tạo và nhân văn.
Nghệ Thuật Kể Chuyện Truyền Thuyết Cổ Tích Qua Múa Rối Nước
Các tích truyện cổ đặc sắc trong múa rối nước
Điểm đặc biệt làm nên sức hút của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam là các tích truyện dân gian, cổ tích quen thuộc mà du khách ai cũng từng nghe kể như:
- Các anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo
-
Thạch Sanh chém chằn tinh – biểu tượng cho sức mạnh thiện thắng ác.
-
Lê Lợi trả gươm – ca ngợi tinh thần kháng chiến và nghĩa vua – dân.
-
Trương Chi – Mỵ Nương – tình yêu buồn đầy nhân bản.
-
Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu dẹp loạn 12 sứ quân – khơi dậy tinh thần thống nhất giang sơn.
-
Cảnh cày bừa, chài lưới, lễ hội đình làng, múa sư tử – đưa đời sống dân gian vào nghệ thuật.
Kỹ thuật Và sân khấu của Nghệ thuật múa rối nước – Bữa tiệc thanh âm, hình ảnh thịnh soạn
Sân khấu Thủy đình – kiến trúc mái đình nông thôn
Khác với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, môi trường diễn xướng của nghệ thuật múa rối nước được diễn ra trong một sâu khấu dưới nước gọi là Thủy đình. “Thủy” là nước, “Đình” là đình làng.
Thủy đình được dựng ở giữa ao, hồ – vừa là hậu trường che giấu nghệ nhân, vừa là phông nền cho sân khấu rối nước. Với mái cong, cột gỗ chạm khắc, hoa văn sơn son thếp vàng – đây cũng là một công trình nghệ thuật.
NSƯT Quốc Vũ – Phó Phòng Tổ chức biểu diễn và Nghệ thuật tại Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Trong dân gian, khi các nghệ sĩ biểu diễn ở làng quê, sân khấu rất đơn giản, họ có thể lấy một cái ao, hồ bất kỳ có thể đứng ở dưới mặt nước để diễn được, họ đưa một chiếc mành nhìn xuyên qua được ra, cuối cùng che thêm một tấm liếp để trở thành một sân khấu. Và khán giả sẽ ngồi quây quần xung quanh để xem. Đó chính là sân khấu dân gian của rối nước“.
Phong cách nghệ thuật biểu đạt độc đáo
Không chỉ kể chuyện bằng lời, nghệ thuật múa rối nước dùng ngôn ngữ hình thể, âm nhạc, ánh sáng để truyền tải. Những con rối gỗ nhẹ nhàng lướt trên nước, múa lượn uyển chuyển. Kỹ thuật tạo mây, lửa, nước bắn, tiếng sấm, chớp sáng… tạo ảo giác sinh động như thật.
Âm nhạc dân gian – trống, sáo, hát chèo, hát xẩm – hòa quyện cùng lời bình dí dỏm, dễ hiểu. Các nghệ nhân khéo léo tung hứng, cài cắm những câu nói hài hước, mộc mạc mà sâu sắc. Tất cả làm nên một buổi diễn vừa vui tươi, vừa thấm đẫm tính giáo dục và nghệ thuật không kém bất kỳ một lễ hội nào của nhịp sống trên cạn.
Kỹ thuật điều khiển rối
Kỹ thuật múa rối điêu luyện của những người nghệ sĩ đã làm cho những con rối vô tri trở nên rất có hồn trong những buổi biểu diễn. Do việc điều khiển rối hoàn toàn bằng thủ công, các nghệ sĩ phải dành rất nhiều thời gian, công sức để luyện tập cho kỹ năng thuần phục và điêu luyện nhất.
Cũng bởi vì thế, mỗi nghệ sĩ có mỗi phong cách thể hiện khác nhau, cách cảm nhận tiết tấu cũng khác nhau, tạo nên nét diễn độc nhất và riêng biệt của nghệ thuật múa rối nước.
Ngoài việc luyện tập kỹ thuật cá nhân ra, các nghệ sĩ còn phối hợp nhịp nhàng để bổ trợ cho tiết mục kết thúc thành công. Trong quá trình biểu diễn, không thiếu những khoảnh khắc oái oăm như con rối bị kẹt dây, con rối bị gãy tay khiến cho việc biểu diễn không đúng theo kịch bản.
Với những nghệ nhân nhiều kinh nghiệm, họ sẽ phối hợp với đồng đội linh hoạt để khắc phục tình huống. Khi một người có sự cố, các đồng đội xung quanh sẽ linh hoạt đảm nhiệm để cho nhân vật rối nước không bị “chết” trên sân khấu.
Bên cạnh đó, những kỹ thuật viên sẽ chỉnh sửa phần hỏng hóc hoặc thay đổi con rối khác để đảm bảo vở diễn được diễn ra suôn sẻ và thành công.
Theo như diễn viên Ngô Thị Liên, của đoàn nhà hát múa rối Thăng Long chia sẽ khi phỏng vấn về nghệ thuật múa rối nước: “Có đôi khi, diễn viên múa rối cần vừa thoại, vừa điều khiển rối và tương tác với bạn diễn.” Mỗi diễn viên đều có nhịp phách và tính nghệ thuật riêng biệt, nhưng khi phối hợp với nhau vẫn tạo nên một sự tổng hợp uyển chuyển và hài hòa. Sự thành công của vở diễn cần đến cả một tập thể ăn ý với nhau chứ không phải riêng lẻ cá nhân nào.
Chất liệu và tạo hình rối của các nghệ nhân
Trên thị trường, hầu như không có trường lớp hoặc nhà xưởng nào đào tạo việc chế tác hình con rối. Bởi cái hồn của nhân vật không có khuôn mẫu sẵn, người nghệ ấy có thể tạo ra 100 người lính với nét khuôn khác nhau. Rối nước thường được làm từ gỗ sung – nhẹ mà bền, ít nứt nẻ trong nước. Sau khi tạc thủ công, rối được sơn son thếp vàng, vẽ hoa văn dân gian bắt mắt.
Những Địa Điểm Trải Nghiệm Nghệ thuật Múa Rối Nước Nổi Bật Ở Việt Nam
Nhà hát Múa rối nước Thăng Long (Hà Nội)
Nằm ngay trung tâm phố cổ Hà Nội, Nhà hát Thăng Long là điểm đến “must-try” với du khách trong và ngoài nước. Đây là nơi phục dựng và phát triển nhiều tích truyện cổ, tiết mục đặc sắc của nghệ thuật múa rối nước như: Lê Lợi trả gươm, Chọi trâu, Đám cưới chuột.
Hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại nhưng vẫn giữ hồn truyền thống – mang tới trải nghiệm trọn vẹn giữa lòng thủ đô.
Làng nghề múa rối Đào Thục (Bắc Ninh)
Cách Hà Nội chừng 30km, Đào Thục là cái nôi gìn giữ truyền thống nghệ thuật múa rối nước cổ truyền. Ao diễn rối ngay giữa làng tạo không gian mộc mạc, chân thật. Nghệ nhân nơi đây vẫn truyền dạy, diễn những tích xưa như Trương Chi – Mỵ Nương, Thạch Sanh.
Du khách có thể tận mắt xem nghệ nhân tạc rối, sơn vẽ, thử điều khiển và sống giữa không khí làng quê Việt xưa.
Giá Trị Bảo Tồn Và Phát Triển Múa Rối Nước Việt Nam
Bảo tồn báu vật văn hóa Việt Nam
Qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, nghệ thuật múa rối nước truyền thống đôi lúc phát triển thịnh vượng, có giai đoạn nguy cơ mai một nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đồng ruộng Việt Nam. Hiện nay, nhiều nghệ nhân cao tuổi vẫn miệt mài truyền dạy lớp trẻ. Các làng nghề phục dựng sân khấu, kịch bản cổ, giữ gìn kỹ thuật điều khiển. Các trường nghệ thuật mở lớp dạy rối nước – bảo đảm di sản này không mất đi.
Báu vật Việt Nam được khán giả quốc tế yêu thích
Qua những câu chuyện đời thường bình dị của người Việt Nam,nghệ thuật múa rối nước đã hoàn toàn chinh phục nhiều du khách quốc tế yêu thích thể loại nghệ thuật này. Nhiều du khách còn tìm đến các phường, đình làng để tham gia trải nghiệm và chiêm ngưỡng rối nước và các công đoạn dựng lên một kiệt tác.
Nghệ thuật múa rối nước – di sản sống trong lòng dân tộc Việt
Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam không chỉ là trò diễn dân gian mà là di sản sống – nơi lưu giữ ký ức cộng đồng, tình yêu quê hương và những câu chuyện cổ tích truyền đời. Giữa thế giới hiện đại, trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước giúp du khách hiểu hơn về cội nguồn, về tâm hồn Việt dung dị mà tinh tế. Cảm ơn du khách đã đồng hành cùng Lins Vietnam trên hành trình khám phá tích truyện qua nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam, cảm nhận hồn Việt giữa đời thường và góp phần lưu giữ di sản quý báu cho mai sau.
- Facebook: Lins Vietnam
- Hotline: (+84) 286 276 5458
LINS VIETNAM – Loyalty – Insight – Never stop exploring