Mỗi di sản văn hóa là một câu chuyện, mỗi công trình là một dấu ấn thời gian. Hoàng thành Thăng Long là trung tâm quyền lực chính trị và văn hóa xuyên suốt 13 thế kỷ lịch sử Việt Nam. Hãy cùng Lins Vietnam tiếp tục cuộc hành trình với chuỗi bài viết “ Hồn Việt qua từng câu chuyện di sản” và chuyến ghé thăm đến Hoàng thành Thăng Long để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc vương triều.
Ngược dòng thời gian cùng Hoàng thành Thăng Long – Dấu ấn ngàn năm văn hiến
Hoàng thành Thăng Long là trung tâm chính trị, quân sự và văn hóa xuyên suốt hơn 13 thế kỷ của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và giai đoạn chống Pháp. Đến nay, Hoàng thành Thăng Long đã là quần thể kiến trúc cổ của lịch sử văn hóa Việt Nam ta, một kiến trúc vượt thời gian rực rỡ.
Để hình thành và phát triển thành một biểu tượng của dấu ấn lịch sử, không thể bỏ qua được công lao nghiên cứu của ông cha ta qua nhiều triều đại, nhiều giai đoạn đấu tranh mãnh liệt xây dựng và bảo vệ. Một niềm tự hào vô giá của Thăng Long – Hà Nội nói riêng và của nước Việt Nam nói chung.
Sự đóng góp của các triều đại:
Triều đại nhà Lý (thế kỷ 11 – 12)
Năm 1009, khi vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) lên ngôi, sáng lập nên triều đại nhà Lý. Năm 1010, hoàng đế ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La sau chuyến thăm quê vào mùa xuân năm ấy. Theo mục Chiếu dời đô của Đại Việt sử ký toàn thư, “hoàng đế thấy thành cũ Đại La có địa hình ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước.
Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp đất Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương”.
Trên đường dời đô, nhà vua trông thấy hình ảnh rồng vàng bay lên trời nên đã đặt tên kinh đô chính thức là Thăng Long (rồng bay lên). Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách: vòng ngoài cùng gọi là La thành (Kinh thành), bao phủ toàn bộ kinh đô và là nơi sinh hoạt của cư dân; Vòng thứ hai là Hoàng thành, là khu vực triều chính, nơi các quan lại và vua làm việc trong triều; Khu vực nhỏ cuối cùng là Tử Cấm Thành (Long Phượng thành), là nơi ở của vua và hoàng hậu. Các thời sau cũng theo cách ấy mà phân chia.
Sau này, do nhiều biến động lịch sử, hoàng đế đã cho xây dựng lại một số đặc điểm nổi bật như: xây dựng lại điện Càng Nguyên thành điện Thiên An, điện Thiên Khánh là khu vực cho vua xây theo hình bát giác để nhà vua làm việc lúc không thiết triều và nghỉ ngơi.
Triều đại nhà Trần (thế kỷ 13 – 14)
Tiếp nối di sản kiến thiết từ triều Lý, nhà Trần lên ngôi vào năm 1225 đã duy trì vai trò trung tâm chính trị – quân sự của Kinh thành Thăng Long. Trong thời kỳ này, Hoàng thành không chỉ được bảo tồn và củng cố về mặt kiến trúc, mà còn là nơi ghi dấu những quyết sách lịch sử vĩ đại, đặc biệt là ba lần kháng chiến chống Nguyên – Mông thắng lợi.
Dưới thời Trần, Thăng Long tiếp tục được mở rộng, xây dựng thêm đền miếu, giảng đường và các cơ sở tôn giáo – giáo dục, phản ánh tư tưởng “văn trị kết hợp võ công”. Kiến trúc cung điện trong thành tuy giản dị hơn thời Lý, nhưng vẫn giữ nguyên bố cục tam trùng với sự phân định rõ ràng giữa triều chính và hậu cung.
Thời Lê sơ (thế kỷ 15)
Năm 1428, vua Lê Lợi sáng lập triều Lê, đặt niên hiệu Thuận Thiên và cho trùng tu lại toàn bộ kinh thành Thăng Long sau chiến tranh. Hoàng thành lúc này được tổ chức lại theo mô hình chuẩn mực Nho giáo, lấy trung tâm là điện Kính Thiên (xây trên nền điện Thiên An cũ) – nơi thiết triều, tiếp sứ và tổ chức các nghi lễ lớn. Ngoài ra, điện Vạn Thọ, là nơi ở của các hoàng đế nhà Lê trong suốt 100 năm tồn tại.
Kiến trúc thời Lê sơ được mô tả là quy củ, cân đối, toát lên khí chất cương trực và trật tự. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, triều đình đạt đỉnh cao về thể chế và văn hóa, Thăng Long trở thành trung tâm thi cử, giáo dục lớn nhất cả nước. Các công trình như Quốc Tử Giám, Văn Miếu được tôn tạo và trở thành biểu tượng văn hiến Đại Việt.
Thời nhà Mạc (thế kỷ 16)
Dù trị vì trong hoàn cảnh chính trị rối ren, nhà Mạc vẫn có những đóng góp nhất định trong việc giữ gìn và tiếp tục sử dụng Hoàng thành Thăng Long như một trung tâm quyền lực. Khu vực điện Kính Thiên, Đoan Môn và các công trình nghi lễ vẫn được duy trì, thể hiện nỗ lực ổn định vương triều. Tuy nhiên, kiến trúc thời kỳ này không còn nhiều dấu tích do các biến động và giao tranh trong nội chiến Nam – Bắc triều sau này.
Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 – 18)
Sau khi giành lại quyền lực từ nhà Mạc, triều Lê Trung Hưng tiếp tục sử dụng Thăng Long làm kinh đô, nhưng thực quyền thuộc về các chúa Trịnh. Trong giai đoạn này, Hoàng thành Thăng Long vẫn là nơi tổ chức nghi lễ và thiết triều biểu tượng. Các chúa Trịnh xây dựng thêm phủ Chúa – một quần thể riêng biệt nằm trong Hoàng thành, thể hiện thế lực song song với nhà vua. Hoàng thành lúc này phản ánh sự phân quyền trong tổ chức chính trị, nhưng vẫn giữ vai trò trung tâm văn hóa.
Thời Tây Sơn (thế kỷ 18)
Trong giai đoạn ngắn ngủi triều đại Tây Sơn (1788–1802), Hoàng thành Thăng Long chỉ còn là Bắc thành nhưng được sử dụng như một điểm quân sự chiến lược. Năm 1789, sau chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, vua Quang Trung tiến vào Bắc thành, tổ chức lễ duyệt binh và khẳng định chủ quyền. Dù kinh đô chính thức được đặt tại Phú Xuân (Huế), Thăng Long vẫn là trung tâm trọng yếu phía Bắc những chữ “Long” là chữ rồng được chuyển thành chữ “Long” của thịnh vượng nhằm ý nghĩa rằng vua không còn ở đây.
Thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19 – 20)
Đến các đời vua triều Nguyễn, những di tích còn sót lại tại Hoàng thành Thăng Long đã dời về Phú Xuân phục vụ cho việc xây kinh thành mới, chỉ còn lại điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại. Tuy vậy, các kiến trúc tiêu biểu như Cột cờ Hà Nội, Bắc Môn, Hậu Lâu… vẫn được xây dựng trong thời kỳ này, góp phần bổ sung giá trị cho quần thể di tích.
Thời kỳ chống Pháp
Dưới thời Pháp thuộc, một phần lớn Hoàng thành bị phá bỏ để xây dựng các công trình hành chính kiểu phương Tây như Phủ Toàn quyền Đông Dương, doanh trại quân đội, nhà tù… khiến cấu trúc gốc của kinh thành cổ bị xâm hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính trong lòng đất khu vực này, các di tích khảo cổ thời Lý – Trần – Lê đã được phát hiện sau này, đặc biệt tại số 18 Hoàng Diệu – mở ra bước ngoặt lớn trong việc nghiên cứu và khẳng định tầm vóc văn hóa – lịch sử của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình dân tộc.
Hào quang lịch sử trong từng kiến trúc cổ
Tọa lạc giữa lòng Thủ đô Hà Nội, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ví như lớp trầm tích văn hóa sâu dày, phản ánh quá trình tiếp nối, kế thừa và sáng tạo của các vương triều Việt Nam qua từng thời kỳ. Các công trình tiêu biểu vẫn còn hiện hữu và được phục dựng:
Đoan Môn
Đoan Môn là cổng vòm phía Nam dẫn vào diện Kính Thiên, cổng Đoan Môn ngày nay tồn tại đến nay là do nhà Lê sơ xây dựng lại của triều Lý và được tu sửa thêm dưới thời Nguyễn.
Cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài Hà Nội) được khơi công vào năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn. Với chiều cao gần 60m tính từ chân đế, cột cờ không chỉ là công trình quân sự mà còn là biểu tượng bất diệt trong tâm thức người dân Thủ đô.
Điện Kính Thiên
Điện Kính Thiên không chỉ là khu di tích trọng điểm của Hoàng thành Thăng Long, mà còn là trung tâm quyền lực ngày xưa. Đây là nơi vua thiết triều, ban hành sắc lệnh, tiếp đón các vị Đại khoa, sứ thần các nước. Tuy chỉ còn lại khu nền cũ, nhưng vẫn còn thềm điện gồm 10 bậc và cặp rồng đá oai phong được tạo tác vào thời Lê sơ của thế kỷ 15. Mặc dù chỉ còn thềm điện và cặp rồng chầu nhưng cũng đã phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính thiên cổ xưa.
Hậu Lâu
Hậu Lâu (Tĩnh Bắc Lâu), là một công trình kiến trúc nằm phía sau điện Kính Thiên trong khu hành cung của thời Nguyễn. Được xây với mục đính phong thủy nhằm giữ yên bình phía Bắc hành cung nên mới có tên là Tĩnh Bắc và Hậu Lâu (lầu phía sau). Công trình còn được cho là nơi nghỉ ngơi của công chúa đi theo vua Nguyễn ra Bắc thành nên còn có tên gọi khác là lầu Công chúa. Hậu Lâu có kết cấu gạch và bê tông, gồm ba tầng: tầng dưới có ba tầng mái, tầng trên hai tầng mái. Mái được thiết kế theo kiến trúc cổ truyền Việt Nam kiểu chồng diêm, với đầu đao cong vút, nhưng được làm giả ngói bằng xi măng. Cuối thế kỷ 19, công trình xuống cấp trầm trọng, được người Pháp cải tạo lại và như hình dáng như hiện nay.
Cửa Bắc
Cửa Bắc hay còn gọi là Chính Bắc Môn, là một trong năm cổng được xây dựng vào thời nhà Nguyễn, được xây dựng theo kiến trúc vọng lâu, phía dưới là thành lũy, phía trên là lầu. Trên thân cổng vẫn còn rõ vết đạn đại bác do quân Pháp bắn vào năm 1882 khi tấn công thành Hà Nội, trở thành chứng tích lịch sử oai hùng. Ngoài ra, Cửa Bắc là nơi đặt nhà tưởng niệm hai vị Tổng đốc Hà Nội: Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, những người đã hy sinh để bảo vệ thành trước quân xâm lược.
Nhà D67
Nhà D67 hay còn gọi là Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, là một kiến trúc thời Pháp và được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Công trình gồm Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Hệ thống hầm nối với tòa nhà được xây dựng kiên cố, sâu 9m, có 3 tầng cầu thang, đảm bảo khả năng chống bom tấn công từ trên không. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp tối mật, trong đó có quyết định lịch sử mở Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Nằm đối diện điện Kính Thiên, khu vực này thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, được khai quật lần đầu tiên vào năm 2002, nơi đây đã có nhiều phát hiện cổ học quan trọng nhất Việt Nam và Đông Nam Á trong thế kỷ 21. Trên thế giới rất hiếm có Thủ đô nào có tầng lớp văn hóa, quần thể di tích lịch sử xếp chồng, nối tiếp nhau liên tục như thế. Đây là điểm độc nhất góp phần tạo nên giá trị cho khu khảo cổ này.
Giá trị ngàn năm của Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long phản ánh sự đồng điệu với thời gian qua những nét giao thoa của kiến trúc văn hóa ngàn đời. Ảnh hưởng từ các triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn qua các vật liệu, kĩ thuật xây dựng và đường nét độc nhất.
Năm 2010, khu di tích Hoàng thành Thăng Long còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế gới, một cột mốc có ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam. Để được UNESCO công nhận, Hoàng thành Thăng Long đã đạt được 3 trên 6 tiêu chí Di sản văn hóa bao bồm: tiêu chí 2 (chiều dài văn hóa lịch sử), tiêu chí 3 ( tầng di tích dị vật đa dạng, phong phú), tiêu chí 6 (tính liên tục của tài sản với tư cách là trung tâm quyền lực).
Ngày nay, việc bảo tồn và trùng tu Hoàng thành Thăng Long là ưu tiên hàng đầu của các nhà quản lý văn hóa và di sản, các khu khai thác di tích đã kết hợp với triển lãm nghệ thuật, lịch sử cho du khách ghé thăm.
Kết:
Hoàng thành Thăng Long là biểu tượng sống động của lịch sử dân tộc, nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa ngàn năm và là trái tim của đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Trải qua bao biến thiên, những di tích cổ, nền móng cổ và hiện vật chôn sâu trong lòng đất vẫn lặng lẽ kể chuyện về một đế đô huy hoàng, một nền văn minh Đại Việt kiêu hãnh.
Cùng Lins Vietnam khám phá Hoàng thành Thăng Long – hành trình ngược dòng thời gian để cảm nhận sâu sắc giá trị văn hóa dân tộc giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến.
- Facebook: Lins Vietnam
- Hotline: (+84) 286 276 5458