Tự do, hoà bình, không phải dễ. Có được bây giờ, cố gắng mà giữ…
Lời nhắn nhủ của Cựu chiến binh Quách Minh Sơn như một lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị của độc lập, tự do mà thế hệ đi trước đã hy sinh để bảo vệ. Ngày 30/4 hàng năm, khi nhìn lại những thước phim lịch sử, lòng người lại dâng trào niềm tự hào và biết ơn vô hạn. Đặc biệt, những ngày qua, bộ phim Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tái hiện chân thực và đầy xúc động về cuộc chiến đấu ngoan cường của dân tộc Việt Nam. Đây chính là lý do mà mỗi người con đất Việt nên một lần đặt chân đến Địa đạo Củ Chi – nơi ghi dấu một thời kỳ huyền thoại trong lịch sử dân tộc.
1. Tìm hiểu về Địa đạo Củ Chi
Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Toàn bộ địa đạo Củ Chi có tổng chiều dài 250km, chia thành 3 tầng sâu khác nhau. Tầng cao nhất cách mặt đất 3m, tầng giữa cách 6m, tầng sâu nhất cách 12m. Ngoài khu vực để bộ đội sinh sống, trữ vũ khí, địa đạo Củ Chi còn chia làm nhiều nhánh với các khu vực hố đinh, hầm chông, bãi mìn…
Nơi đây không chỉ là công trình quân sự vĩ đại mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, sự kiên cường và trí tuệ của nhân dân Việt Nam.
Khu di tích gồm hai điểm tham quan chính:
- Địa đạo Bến Dược: Là khu vực gắn liền với chiến công của quân và dân Củ Chi trong những năm tháng kháng chiến ác liệt.
- Địa đạo Bến Đình: Nơi từng là căn cứ của Huyện ủy Củ Chi, phục vụ công tác chỉ huy chiến đấu.
2. Lịch sử hình thành Địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi bắt đầu được hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), khi các chiến sĩ cách mạng trú ẩn trong những hầm bí mật nằm sâu dưới lòng đất. Ban đầu, các hầm chỉ là nơi ẩn náu, có lỗ thông hơi và chỉ đủ một người ra vào. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, các hầm này dễ bị địch bao vây. Từ đó, ý tưởng kéo dài và kết nối các hầm thành hệ thống đường hầm liên hoàn ra đời, vừa là nơi ẩn náu, vừa là nơi tổ chức chiến đấu và rút lui khi cần thiết.
Địa đạo đầu tiên ở Củ Chi được đào vào năm 1948 tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, sau đó dần lan rộng. Từ năm 1961 đến 1965, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh, hệ thống địa đạo được mở rộng và trở thành “xương sống” chiến đấu của sáu xã phía Bắc huyện Củ Chi. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, địa đạo tiếp tục được mở rộng, với các chiến dịch càn quét lớn như Crimp (1966) và Cedar Falls (1967), hệ thống địa đạo đã dài đến 250km.
Cấu trúc địa đạo rất phức tạp, gồm nhiều tầng và nhánh rẽ, nối liền các xã, có những cửa trổ ra sông Sài Gòn để thoát hiểm. Bên trong địa đạo có các hầm nghỉ, nơi cất trữ vũ khí, lương thực, bếp Hoàng Cầm, giếng nước, hầm chỉ huy, hội họp, hầm giải phẫu… Đặc biệt, các cửa hầm và lỗ thông hơi được ngụy trang tinh vi, xung quanh bố trí chông, mìn, hố đinh, tạo nên hệ thống phòng thủ vững chắc.
Suốt trong một thời gian dài, địch liên tục tấn công đánh phá vùng căn cứ và hệ thống địa đạo hết sức khốc kiệt. Chủ yếu là năm thủ đoạn sau đây:
- Dùng nước phá địa đạo
- Dùng đội quân “chuột cống” đánh địa đạo
- Dùng chó Bẹcgiê đánh phá địa đạo
- Dùng xe cơ giới ủi phá địa đạo
- Gieo cỏ phá địa hình
Cuộc sống dưới lòng đất vô cùng gian khổ: thiếu ánh sáng, không khí, chật hẹp, ẩm ướt, đầy rắn rết và côn trùng độc hại. Tuy vậy, quân và dân Củ Chi vẫn kiên cường bám trụ, đào hầm ngày đêm bằng những công cụ thô sơ như cuốc và gầu tre. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi địa đạo là một pháo đài.
Địa đạo Củ Chi không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là biểu tượng của tinh thần quật cường, ý chí đấu tranh và sự sáng tạo trong chiến tranh nhân dân của quân và dân miền Nam.
3. Địa đạo Củ Chi – Đi để nhớ một thời
Đặt chân đến Địa đạo Củ Chi, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm cảm giác như một chiến sĩ thực thụ. Bước vào hệ thống đường hầm chật hẹp, quanh co, tối tăm, bạn sẽ cảm nhận được những khó khăn và gian khổ mà quân dân ta từng phải đối mặt. Không gian trưng bày tại khu di tích giúp tái hiện sinh động cuộc sống dưới lòng đất với các bếp Hoàng Cầm, phòng họp, kho vũ khí và bệnh xá dã chiến.
Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm bắn súng thể thao, thưởng thức món ăn thời chiến như khoai mì chấm muối vừng – một phần không thể thiếu trong bữa ăn của các chiến sĩ năm xưa.
4. Thông tin vé và giờ tham quan
- Giờ mở cửa: 7h00 – 17h00 hàng ngày (du khách nên sắp xếp thời gian đến vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều để tránh nắng gắt và tận hưởng không khí mát mẻ hơn)
- Giá vé vào cổng:
- Người lớn người Việt: 35.000 VNĐ
- Người lớn người nước ngoài: 70.000 VNĐ
- Giá vé địa đạo Củ Chi Khu tái hiện Vùng giải phóng: 85.000 VNĐ
- Dịch vụ đi kèm: Hướng dẫn viên, trải nghiệm bắn súng, thuê thuyền tham quan sông Sài Gòn.
Địa đạo Củ Chi không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là bài học sống động về lòng yêu nước và sự kiên cường của dân tộc Việt Nam. Một chuyến đi đến đây không chỉ giúp bạn hiểu hơn về lịch sử mà còn mang đến những trải nghiệm đáng nhớ. Nếu có dịp, hãy dành thời gian ghé thăm và cảm nhận tinh thần bất khuất của cha ông!
Lins Vietnam – Cùng bạn khám phá những hành trình ý nghĩa!
Pingback: 9 di tích lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh sống mãi cùng thời gian - LINS VIETNAM