Mỗi di sản là một câu chuyện, mỗi công trình là một dấu ấn thời gian. Những viên đá rêu phong, những bức tường thành trầm mặc hay những mái đình cổ kính – tất cả đều lưu giữ hơi thở của quá khứ, chứng nhân cho một nền văn hóa rực rỡ.

Với mong muốn khơi dậy niềm tự hào dân tộc và mang đến một góc nhìn mới mẻ về lịch sử, Lins Vietnam trân trọng giới thiệu chuỗi bài viết “Hồn Việt trong từng câu chuyện di sản”. Qua từng trang viết, từng lát cắt thời gian, chúng ta sẽ cùng nhau ngược dòng lịch sử, khám phá những công trình kỳ vĩ, nơi tinh hoa văn hóa Việt Nam hội tụ.

Mở đầu hành trình, hãy cùng Lins dừng chân trước Thành Nhà Hồ – tòa thành đá sừng sững giữa đất trời xứ Thanh, nơi ẩn chứa những bí mật về một triều đại đầy bản lĩnh và những câu chuyện chưa từng phai nhòa theo năm tháng.

THÀNH NHÀ HỒ – Di tích lịch sử của Triều đại ngắn nhất nước Việt

Thành Nhà Hồ là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. 

Câu chuyện về Nhà Hồ – Triều đại ngắn nhất lịch sử Việt 

Triều đại nhà Hồ bắt đầu từ khi Hồ Quý Ly giành giang sơn từ nhà Trần và lên ngôi năm 1400. Hồ Quý Ly sinh năm 1335, quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, Hà Trung, Thanh Hóa). Ông trị vì một năm thì trao ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương để làm thái thượng hoàng, nhưng vẫn quyết đoán mọi công việc.

Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt. Triều đại nhà Hồ diệt vong từ đây. Tuy tồn tại ngắn, nhưng nhà Hồ cũng để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là cuộc cải cách toàn diện đất nước, được đánh giá có giá trị thực tiễn và đi trước thời đại. 

Năm 1397, Hồ Quý Ly phục mệnh vua Trần Thuận Tông vào động An Tôn làm 5 việc lớn: Xây thành, đắp lũy, xây dựng cung điện, lập nhà miếu, nền xã, mở đường phố. Thành nhà Hồ tọa lạc giữa hai dòng sông lớn là sông Mã và sông Bưởi bao quanh một vùng đất rộng gần 10 ngàn ha màu mỡ, phì nhiêu, tạo nên một sự biệt lập với các vùng đất chung quanh như một ốc đảo tự nhiên hiểm trở.

Sau khi nghiên cứu phong thủy, Hồ Quý Ly coi mảnh đất này có thể dựng xây đế nghiệp lâu dài. Ông nói với các con đất này là đất thạch bàn Long – Xà – Lục thập niên ký (đất rồng chầu, rắn cuốn – vững như bàn thạch trụ được 60 năm). Nhưng Hồ Hán Thương là con thứ 2, rất am tường thuật phong thủy, tâu với cha đã xem kỹ đất này đúng là đất rồng chầu, rắn cuốn, nhưng đất còn non nên chỉ mới là: Long – Xà ẩm thủy – Lục niên ký chủ – ở được trên dưới 6 năm thôi.

Thành nhà Hồ – Thành trì kiên cố bậc nhất lịch sử

Tây Giai thành cổ nhà Hồ

Nguy nga, đồ sộ quy mô vững vàng

Sáu trăm năm chắc như gang

Bão giông, nắng gắt, mưa chan chẳng sờn

Thành xây trên địa phận hai thôn Tây Giai, Xuân Giai nay thuộc xã Vĩnh Tiến và thôn Đông Môn nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Tuy Thành nhà Hồ là một công trình thế kỷ, nhưng do các thư tịch cổ đầu thế kỷ XV không quan tâm ghi chép kỹ lưỡng về thời gian bắt đầu xây dựng, cửa nào xây trước, cửa nào xây sau, hay được tiến hành cùng lúc, cũng như cách khai thác đá, vận chuyển, lắp đặt… Do đó công tác nghiên cứu thành cổ chủ yếu dựa vào truyền thuyết lưu lại trong dân.

Cho đến những năm gần đây, cũng có tài liệu nói xây xong thành chỉ trong 3 tháng. Có tài liệu nói xây dựng 3 năm, 6 năm…

Thành Nhà Hồ Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ. Như mọi thành quách bấy giờ, thành bao gồm thành nội và thành ngoại. Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 mét khối, trên trồng tre gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50m bao quanh.

Các cung điện, dinh thự trong khu vực thành đã bị phá huỷ, di tích còn lại hiện nay là 4 cổng thành bằng đá cuốn vòm, tường thành và đặc biệt là Di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn. Trong các phế tích đáng chú ý có nền chính điện chạm một đôi tượng rồng đá rất đẹp dài 3,62 m.

Thành Tây Đô thể hiện một trình độ rất cao về kỹ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững.

Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, Thành Nhà Hồ còn là dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại tuy không dài, nhưng luôn được sử sách đánh giá cao.

Thành Nhà Hồ và những bí ẩn chưa lời giải đáp

Những phiến đá khổng lồ từ đâu mà ra?

Tại Thành nhà Hồ, mỗi bức tường thành được lắp ghép 5 hàng đá phiến ở phần nổi trên mặt đất và 2 hàng chìm dưới mặt đất làm móng, trong 5 lớp đá nổi trên mặt đất thì lớp dưới cùng có chiều cao là 1,1m, lớp thứ 2 cao từ 0,9 – 1m, lớp thứ 3 cao từ 0,7 – 0,8m, lớp thứ 4 cao 0,5 – 0,6m, lớp trên cùng cao từ 0,35 – 0,4m.

Có nhà nghiên cứu đã khẳng định toàn bộ đá xây dựng thành đều được khai thác bằng phương pháp thủ công. Nếu dùng chất nổ dù ít đến đâu thì đá cũng bị om, rạn nứt. Việc khai thác đá xây dựng thành trì cho đến ngày nay vẫn là một điều khó hiểu.

 

Việc vận chuyển những khối đá khổng lồ từ nơi khai thác về thành cũng là một điều kỳ diệu, phi thường. Truyền thuyết trong vùng đã kể lại, người chỉ huy đã cho xây dựng một con đường lát bằng đá để vận chuyển đá từ nơi khai thác về thành. Hiện nay vẫn còn di tích con đường vận chuyển đá ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến.

Khi vận chuyển người xưa dùng các con lăn dùng sức trâu, bò kéo và những tảng đá lớn hàng chục tấn thì dùng sức voi. Sự thực, 4 bức tường thành không phải được cấu tạo đơn giản như nhiều người nghĩ, bên trong là một con đê bằng đất, bên ngoài xếp một tường đá dựa vào vách đất… Đây được xem là công trình xây dựng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam từ trước đến nay.

Đôi rồng đá cụt đầu và 4 hồ nước cổ

      Trong lịch sử mỗi vương triều nhà nước phong kiến Việt Nam đều có con rồng là biểu trưng. Mỗi thời đều có cách nhận biết riêng và rồng tại Thành nhà Hồ cũng vậy. Khi nghiên cứu về hình thái đôi rồng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những giả thuyết lý giải sự tồn tại của chúng.

  

Điều đặc biệt ở đây là đôi rồng đá không còn nguyên vẹn mà bị mất đầu. Xung quanh vấn đề này vẫn còn là một bí ẩn, là nguyên nhân cho nhiều lời đồn đoán lan truyền trong dân gian.  Lý giải về nguyên nhân đôi rồng bị chặt đầu, các cụ cao niên trong làng vẫn truyền miệng từ xa xưa là do đầu rồng quay vào làng nên trong làng thường xuyên xảy ra cháy nhà. Cho rằng rồng phun lửa gây họa nên người dân trong vùng đã chặt đầu rồng đi. Ngoài ra còn có một câu chuyện được thêu dệt rất huyền bí rằng trong đầu rồng có ngọc ngà châu báu nên lợi dụng một đêm mưa gió một nhóm người đã chặt đầu rồng mang đi nơi khác để lấy châu báu.

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện trong hoàng thành Nhà Hồ còn có 4 hồ nước cổ quanh năm hoa sen nở thơm ngát. Đó là hồ Dục Thúy, hồ Bơi Chải, hồ Bán Nguyệt và hồ Dục Tượng. Các hồ nước này không chỉ có tác dụng điều hòa không khí, tạo dựng cảnh quan Thành Nội, mà sự mềm mại của nước có thể tạo nên sự cân đối với những khối tường thành bằng đá cứng rắn.

Đền thờ nàng Bình Khương

Đền thờ nàng Bình Khương thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc gắn liền với lịch sử hình thành kinh đô triều Hồ. Đây cũng chính là di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ nhà được UNESCO vinh danh.

Có một đoạn tường thành không hoàn chỉnh tồn tại hàng trăm năm qua gắn liền với câu chuyện nàng Bình Khương gieo mình vào đá để chết theo chồng là một trong những bí ẩn có sức ám ảnh ghê gớm đã vẽ lên một phần lịch sử kiến tạo tòa thành đá. So với ba bức tường thành còn lại, bức phía Đông có lẽ là bức tường thành còn giữ được tương đối nguyên vẹn hình dáng, cấu trúc, vật liệu, chiều cao. Suốt hơn 600 năm, đoạn tường này vẫn sừng sững như không chịu bất kì sự mài mòn nào của thời gian.

Truyền thuyết là như vậy nhưng sự tôn kính của người dân địa phương với nàng Bình Khương lại là thực tế. Nhang khói trong đền chưa bao giờ nguội lạnh và lòng tin của họ có cơ sở hơn khi ngôi đền được trùng tu.

Giá trị di sản

Năm 2011, Thành Nhà Hồ được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới thuộc Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Sự có mặt trong Danh sách khẳng định Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản văn hóa hoặc thiên nhiên cần được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại.

/HẾT/

Lins Vietnam trân trọng cảm ơn bạn đã dành thời gian chiêm nghiệm những dấu ấn lịch sử của Việt Nam. Hành trình khám phá di sản vẫn còn nhiều điều thú vị phía trước – cùng đón chờ những câu chuyện tiếp theo nhé! 

Nguồn tham khảo:

  1. https://dantri.com.vn/su-kien/nhung-truyen-thuyet-ve-cach-xay-dung-thanh-nha-ho-1309807882.htm
  2. https://baonghean.vn/truyen-thuyet-ve-thanh-nha-ho-10037429.html
  3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_nh%C3%A0_H%E1%BB%93
  4. https://vtv.vn/doi-song/giai-ma-cuoc-song-thanh-nha-ho-tu-truyen-thuyet-toi-hien-thuc-20221209133744096.htm
  5. https://thanhnhaho.vn/GioiThieu.aspx?Id=20

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *